Vì sao bạn chưa được thăng chức?

Vì sao bạn chưa được thăng chức?

Bạn gắn bó với công ty trong nhiều năm. Bạn đi làm sớm và về muộn. Bạn nhận được nhiều phản hồi tốt và ngày càng đảm nhận nhiều trọng trách nhưng mãi vẫn chưa được thăng chức. 

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu suất công việc và thời gian bạn dành tại công ty, việc thăng chức còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Theo các chuyên gia tư vấn về nghề nghiệp, nếu bạn mong muốn đạt đến nấc thang sự nghiệp tương xứng với thành quả lao động của bạn thì hãy xem xét qua 8 mục sau đây.

1. Thăng chức không dựa vào thâm niên làm việc

Có những đồng nghiệp được thăng chức chỉ sau 1 đến 2 năm làm việc, tuy nhiên, số năm gắn bó với công ty không quyết định được điều đó. Theo Jill Santopietro Panall, Cố vấn tuyển dụng và là Chủ tịch của 21Oak HR Consulting, LLC cho rằng, nhiều nhân viên nghĩ rằng thời gian làm việc tại một vị trí là tiêu chí quan trọng để được thăng chức, nhưng thật ra đó chỉ là một yếu tố rất nhỏ.

Hãy nâng cấp bản thân: Toàn bộ quá trình nỗ lực làm việc và các bước bạn thực hiện mới thật sự ảnh hưởng đến quyết định thăng chức. Nếu vẫn chưa chắc chắn về các hướng đi sắp tới, hãy chia sẻ với quản lý và xác định những điều bạn cần làm để phát triển sự nghiệp và thăng tiến.

2. Chứng minh giá trị của bản thân

Một nguyên nhân khác là khi trong quá trình xét duyệt thăng chức, bạn không chứng tỏ được giá trị của bản thân, hoặc còn dè dặt với những cống hiến của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bạn vô tình khiến người khác cũng xem nhẹ những nỗ lực của chính bạn.

Hãy tự hào về bản thân: Theo Bowman, “Bạn nên nhận lời khen ngợi khi bạn xứng đáng với điều đó, và mọi người sẽ bắt đầu công nhận những giá trị của bạn”. Đồng thời, bạn hãy ghi chép lại thành tích và sự tiến bộ của mình qua thời gian để xây dựng cơ sở cho việc thăng tiến sau này.

3. Nói lên nguyện vọng của bản thân

Theo chuyên viên hoạch định chiến lược tại The Young Professionista – Mary Grace Gardner, vị trí cao hơn tương đương với mức lương cao hơn, đi kèm với đó là trách nhiệm lớn hơn. Vì vậy, không phải nhân viên nào cũng mong muốn được lên vị trí cao, nên nếu bạn không nói với sếp rằng bạn có nguyện vọng thăng tiến, họ có thể sẽ không biết được điều đó.

Đề ra mục tiêu: Chủ động trình bày lộ trình thăng tiến theo kỳ vọng của bạn, đồng thời trao đổi với quản lý về những cột mốc cần đạt được, cũng như những yêu cầu bạn cần đáp ứng để có thể đạt được mục tiêu thăng tiến của mình.

4. Không thể hiện được khả năng lãnh đạo

Thăng chức không chỉ là một vai trò mới, mà còn là trách nhiệm quản lý đội ngũ nhân viên bên dưới. Dù ở vị trí hiện tại bạn có ưu tú đến đâu, cơ hội được xét duyệt thăng chức vẫn rất xa vời nếu bạn không thể hiện được kỹ năng lãnh đạo và quản lý hiệu quả.

Santopietro Panall khẳng định, “Công việc quản lý tưởng chừng dễ dàng, nhưng thật ra lại vô cùng khó. Nếu nhân viên không có năng lực trong việc lãnh đạo, cũng như không nỗ lực trau dồi những kỹ năng ấy thì tôi cũng chẳng đề cử lên vị trí mới chỉ bởi vì thâm niên làm việc hay nguyện vọng của cá nhân đó được.”

Thực hành “Nói đi đôi với làm”: Chuẩn bị trước cho việc thăng tiến bằng cách thể hiện năng lực của một người lãnh đạo tài giỏi trong việc giao tiếp, quản lý và xây dựng đội ngũ từ những hình mẫu lãnh đạo ưu tú trong tổ chức.

Vì sao bạn chưa được thăng chức?

 

5. Phân tích những đánh giá về hiệu suất công việc trong thời gian qua

Nếu bạn vẫn không được thăng chức sau những buổi đánh giá hiệu suất công việc, có lẽ những đánh giá này không nói lên hết những điều bạn cần làm để đạt được vị trí cao hơn.

Lập kế hoạch cho lộ trình phát triển sự nghiệp: Khi bạn liên tục nhận được những đánh giá cao về hiệu suất công việc, nhưng vẫn mãi “dậm chân tại chỗ” thì hãy trao đổi thẳng thắn với quản lý về những ưu điểm và nhược điểm của bản thân, đồng thời những tiêu chí, và cách đạt được mục tiêu thăng tiến ấy.

6. Phản hồi đánh giá

Đón nhận những lời phê bình mang tính xây dựng có thể khiến bạn cảm thấy tổn thương trong thời gian đầu, nhưng sẽ rất hữu ích trong lộ trình thăng tiến lâu dài của bạn. Bowman chia sẻ rằng, “Sự phản kháng của nhân viên khi đối mặt với những lời phê bình thể hiện tâm thế chưa sẵn sàng để phát triển ở một vị trí cao hơn. Nếu họ muốn được thăng chức, họ phải sẵn sàng tiếp nhận và tận dụng những nhận xét đó để cải thiện và nâng cao năng suất của mình.”

Chấp nhận những thiếu sót: Để đón nhận lời phê bình một cách tích cực, bạn hãy bình tĩnh, và khoan hẵng phản bác vội. Khả năng bền bỉ và kiềm chế cũng là một phần trong quá trình phát triển trong sự nghiệp của bạn.

7. Thiếu tầm nhìn bao quát về tổ chức

Đôi khi với thời gian làm việc trong ngày, bạn dường như chỉ có thể liên tục xử lý các công việc thường nhật, dự án và tham gia buổi họp định kỳ. Tuy nhiên, Bowman cho rằng, “Khi bạn dành hết công sức vào những việc nhỏ hoặc chỉ những dự án liên quan đến bạn, bạn sẽ đánh mất cơ hội phát triển tư duy chiến lược của mình ở góc độ toàn diện hơn.”

Mở rộng tầm nhìn bao quát: Nắm bắt tổng quan về tổ chức là năng lực cần thiết của một người quản lý. Xem xét mục tiêu chiến lược chung của đội nhóm, phòng ban, thậm chí là của tổ chức, tìm hiểu những hướng đi thúc đẩy mục tiêu, và thảo luận kế hoạch cụ thể đó với cấp trên của bạn là cách bạn thể hiện rằng bạn có khả năng làm việc từ góc nhìn của tổ chức và mục tiêu chung. 

8. Thiếu sự bứt phá

Gardner chia sẻ – Nguyên nhân chưa được thăng chức cũng có thể vì bạn chỉ tập trung hoàn thành công việc ở vị trí hiện tại, thay vì nỗ lực bứt phá và tiến xa hơn những gì được yêu cầu.

Bước ra khỏi vùng an toàn: Thể hiện nguyện vọng phát triển cũng như sẵn sàng xử lý các công việc thử thách hơn sẽ mang đến cho bạn cơ hội cao hơn. Đồng thời, hãy chuẩn bị cho mình những thông tin cần thiết để trao đổi trực tiếp với cấp trên về định hướng và mong muốn phát triển sự nghiệp của mình.

Nguồn: Glassdoor

Dịch: Ý Nhiên

Hiệu đính: Chế Nguyên

Comments