Thiết kế chương trình đào tạo (Phần 2)

I. Xác định các bước học tập

Các bước học tập hay còn gọi là các bước thực hiện công việc. Chúng ta xác định các bước này trong giai đoạn phân tích nhu cầu đào tạo. Cụ thể trong trường hợp này, chúng ta phân tích cách thực hiện các công việc. Ta có thể gọi chúng là dòng chảy công việc (workflow) hay quy trình.

Ví dụ: đo lường mục tiêu “kết hợp các hàm trong excel để tìm ra Phòng có điểm trung bình kiểm tra sau đào tạo cao nhất trong tháng” (khoảng 50 dòng thông tin) có thể được liệt kê như sau:

  1. Nhập mã Phòng, tên Phòng, các chuyên đề trong tháng, danh sách học viên từng khóa, mã nhân viên và điểm tương ứng của mỗi học viên/khóa.
  2. Lặp lại với tất cả các khóa cho tới khi đầy đủ thông tin (một khóa có n nhân viên tham gia sẽ nhập n dòng do điểm đầu ra khác nhau).
  3. Sau khi tất cả được nhập, sử dụng hàm Sumifs và Countif để tính ra giá trị trung bình điểm của từng Phòng.
  4. Sử dụng hàm Max để tìm ra giá trị lớn nhất trong các giá trị vừa tính.

Đối với bước đầu tiên, chúng ta cần xác định xem người học có cần tìm hiểu thêm điều gì nữa không, ví dụ như là:

  • Họ có khả năng copy, nhân bản các trường dữ liệu giống nhau hoặc lấy dữ liệu từ các bảng có sẵn. (nếu vậy, họ có cần phải học những điều này không)
  • Họ có khả năng xử lý các định dạng dữ liệu cho đúng không. Ví dụ: định dạng ngày tháng, định dạng text (với trường hợp mã nhân viên bắt đầu bằng số 0) … (chúng ta cân nhắc có nên gửi sẵn các biểu mẫu nhập liệu không. Hoặc chúng ta có nên xử lý dữ liệu trước không).
  • … 

Tương tự các bước lớn khác, ta cũng có thể cần đưa vào các bước nhỏ hơn để hỗ trợ việc học. Khi đã liệt kê các bước học, chúng ta có thể chạy thử chương trình với một nhóm nhỏ để kiểm tra xem việc nắm bắt và thực hiện có đạt được mục tiêu hay không. Đồng thời, chúng ta cũng có thể xác định được xem mình cần điều chỉnh ở bước nào.

Việc thiết kế này cũng nên tiếp diễn ngay sau các chương trình đào tạo chính thức nhằm cải tiến bài giảng sao cho phù hợp với thực tế.

II. Xác định các kiến thức, hành vi đầu vào cần có

Mỗi một đối tượng học viên đối với từng chủ đề sẽ có nhận thức và trình độ khác nhau. Nếu có thể chúng ta cần đánh giá chính xác xem họ có phù hợp với chương trình đào tạo của chúng ta xây dựng không. Liệu rằng họ đã có đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa. Nếu ta hướng dẫn về cách sử dụng tổ hợp các hàm trong Excel để đạt kết quả công việc thì việc hiểu biết các hàm đơn lẻ hoặc kiến thức về Excel cần phải có. Nếu người học chưa từng sử dụng qua Excel hay chưa từng sử dụng các hàm đơn đó, việc tiếp cận khóa học cần thay đổi. Khi ấy, chúng ta có thể phải đưa thêm các bước học tập cần thiết vào như ở mục trên có trình bày. Việc xác định này cũng tránh trường hợp chúng ta nhắc lại những điều mà người học đã biết. Điều ấy gây tốn thời gian mà không tạo ra sự hiệu quả. 

xác định các bước học tập

Ngoài kiến thức, kỹ năng hiện tại của học viên, động lực học tập cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giúp việc đào tạo hay học tập hiệu quả. Đa phần người học sẽ đều có động lực để học các kỹ năng mới giúp công việc của họ dễ dàng hơn hoặc nhanh hơn, tăng cơ hội thăng tiến, được ghi nhận, tăng lương…

Qua công việc, người học cũng có cảm nhận về những gì được quản lý quan tâm, đánh giá cao. Họ sẽ có xu hướng tập trung vào những việc này để đạt được sự ghi nhận của quản lý. Bên cạnh đó, các mục tiêu cụ thể cũng là một yếu tố rất tốt để có các động lực tự thân. Các mục tiêu còn giúp cho người học có thể được áp dụng kiến thức vào thực tế sau khi học và giải quyết công việc. Động lực tự thân bao giờ cũng có ý nghĩa và vai trò lớn hơn rất nhiều so với các ngoại lực bên ngoài. Điều này đúng trong cả các việc khác chứ không riêng gì việc học.

III. Trình tự và cấu trúc

Trong giai đoạn này, chúng ta xác định trình tự và cấu trúc của tài liệu để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu học tập. Trình tự ấy nên chỉ ra mối quan hệ giữa các hành động và mục đích của chúng. Nội dung càng có ý nghĩa thì càng dễ học và càng hiệu quả

Trình tự thích hợp cũng giúp tránh sự trùng lặp trong các nội dung. Về cơ bản, chúng ta liệt kê tất cả các nội dung và sắp xếp chúng thay vì để các nội dung lặp lại (trừ chủ đích nhắc lại).

Một số gợi ý trong khi xác định trình tự và cấu trúc:

  • Trình tự thực hiện công việc: Trình tự học tập cũng giống như trình tự công việc.
  • Từ đơn giản đến phức tạp: Các mục tiêu có thể được sắp xếp theo trình tự tăng dần độ phức tạp.
  • Trình tự quan trọng: Các đối tượng được sắp xếp theo mức độ quan trọng tương đối của chúng từ rất quan trọng đến ít quan trọng.
  • Đã biết đến chưa biết: Các chủ đề quen thuộc được xem xét trước những chủ đề không quen thuộc.
  • Mối quan hệ phụ thuộc: đảm bảo đạt được các yếu tố cần có làm tiền đề mới có thể đạt được một yếu tốt khác.
  • Mối quan hệ hỗ trợ: các nội dung có sự liên quan tới nhau, làm sáng tỏ nhau.
  • Nguyên nhân dẫn đến kết quả: Các mục tiêu được sắp xếp theo trình tự từ nguyên nhân đến kết quả.

Khi áp dụng mô hình 70/20/10 của McCall, Lombardo & Eichinger trong các chương trình đào tạo. Ngoài 10% việc học tập đến từ các lớp học hay các chương trình đào tạo, chúng ta cũng cần chú ý đến các bài kiểm tra, ôn tập trong các giai đoạn khác của việc học mà những giai đoạn này chiếm tới 20%, 70%. Bởi trong các giai đoạn này, việc suy giảm về kiến thức có thể xảy ra do khả năng ghi nhớ cũng như cơ hội được áp dụng những gì đã học vào thực tế.

trình tự và cấu trúc đào tạo

IV. Thiết kế học tập linh hoạt

Với sự phát triển bùng nổ của Công nghệ, nó cho phép chúng ta có thể kiểm thử các giả thuyết của chúng ta nhanh chóng gấp nhiều lần khi xưa. Các biểu mẫu thu thập thông tin có thể gần như ngay lập tức tổng hợp được kết quả và có đưa ra sẵn các thống kê. Những chương trình đào tạo có thể triển khai qua các nền tảng online như Zoom, Google meeting…và có thể nhận được các phản hồi một cách nhanh chóng về nội dung, về cách người học tiếp nhận…

Việc thiết kế hoạt động cũng trở lên linh hoạt hơn và nó cho phép chúng ta có thể thực hiện việc cải tiến, hoàn thiện nhanh chóng hơn. Ở trong giai đoạn này, chúng ta có thể áp dụng mô hình Design Thinking như là một gợi ý:

Ví dụ về mô hình Design Thinking

Trong mô hình này, giai đoạn test có thể áp dụng công nghệ để tạo ra nhiều lần kiểm thử trước khi tổ chức thực hiện.

Xét đến toàn bộ quá trình, chúng ta cũng cần cân nhắc việc tập trung vào những tiểu tiết vụn vặt không cần thiết trong quá trình thiết kế hoặc trong các nội dung các bài giảng. Việc này tốt để giải quyết từng trường hợp cụ thể xong khó mang tính phổ quát, đại trà. Mà yếu tố phổ quát này lại giúp cho việc nhân bản trong hệ thống rất tốt. Với các trường hợp chi tiết, chúng ta nên cân nhắc việc xây dựng một kho thư viện kiến thức các tình huống để người học chủ động tìm hiểu hơn là đưa vào khóa học chung các trường hợp nhỏ lẻ. Chúng ta có thể tạo ra quá nhiều phiên bản mà không có nhiều tác động. Ví dụ như việc xây dựng bộ câu hỏi kiểm tra trắc nghiệm. Chúng ta có thể sử dụng các gợi ý trong Bloom’s Taxonomy để xây dựng các câu hỏi ở cùng mức độ tư duy. Như là cùng ở cấp độ nhớ ta có thể yêu cầu người học: liệt kê, mô tả, lựa chọn…Khi ấy chúng ta có thể có được nhiều câu hỏi để đánh giá một mức độ tư duy của người học. Nhưng việc xây ra sẵn “n” các bài kiểm tra dựa trên việc phối hợp các câu hỏi không đem lại giá trị nhiều hơn việc tạo ra vài bài kiểm tra mẫu và linh hoạt điều chỉnh theo thực tế.  

Người viết: 3B
Biên tập: Thuỳ Dương

Comments