Phát triển sự nghiệp với 14 mẹo xây dựng thương hiệu cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân online là một trong những hạng mục quan trọng trên con đường phát triển sự nghiệp. Khi nghe tới từ “thương hiệu”, bạn hẳn sẽ liên tưởng tới thuật ngữ trong kinh doanh thay vì thứ gì đó thuộc về cá nhân. Tuy nhiên, tạo dựng thương hiệu cá nhân sẽ giúp bạn định hình con đường sự nghiệp.

Với nhiều người, thương hiệu cá nhân đồng nghĩa với việc kiểm soát “danh tiếng, hình ảnh” cá nhân trên các nền tảng online, chẳng hạn như website liệt kê danh mục các công việc, dự án đã làm; trau chuốt thông tin hồ sơ trên LinkedIn hay xây dựng trang mạng xã hội cá nhân. Hãy bắt đầu việc xây dựng thương hiệu cá nhân bằng việc tìm hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như những mẹo để giúp bạn tạo sự khác biệt về thương hiệu cá nhân.

Thương hiệu cá nhân là gì?

Thương hiệu cá nhân là cách thức tạo nên “danh tiếng” hay còn gọi là “thương hiệu” – đại diện cho tổng hòa giữa sự nghiệp và hình ảnh chuyên nghiệp của bạn. Thương hiệu cho biết bạn là ai, làm gì, cách thức bạn làm việc, cách thức mọi người nhìn nhận bạn và mục tiêu bạn đang hướng tới.

Cũng giống như thương hiệu tiêu dùng, thương hiệu cá nhân không chỉ nói về câu chuyện của bạn mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển. Thương hiệu cá nhân vượt trội so với một bản lý lịch thông thường trong việc vẽ nên bức tranh toàn diện về việc bạn là ai một cách chuyên nghiệp.

Tại sao bạn lại cần thương hiệu cá nhân?

Thương hiệu cá nhân quan trọng hơn bạn nghĩ. Dưới đây là một vài lý do vì sao bạn cần xây dựng thương hiệu cá nhân.

Nhà tuyển dụng tra cứu thông tin online trong quá trình tìm kiếm ứng viên

Thực tế có rất nhiều ví dụ về việc những ứng viên đủ tiêu chuẩn đối với vị trí công việc nhưng lại bị từ chối chỉ vì họ không để tâm tới hình ảnh của mình trên các nền tảng online. Hơn 60% nhà tuyển dụng tìm kiếm thông tin online về ứng viên trong suốt quá trình tuyển dụng. Đây cũng là lý do lớn nhất thể hiện sự quan trọng của thương hiệu quá nhân.

Cách mạng xã hội ảnh hưởng tới cơ hội việc làm

Dù bạn có đưa thông tin về tài khoản mạng xã hội của mình vào CV hay không, nhà tuyển dụng tiềm năng đều có khả năng sẽ tìm kiếm thông tin. Một khảo sát từ hơn 500 doanh nghiệp cho thấy, 90% nhà tuyển dụng cho rằng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng khi đánh giá ứng viên, và 79% chuyên gia nhân sự cho biết họ đã tự chối ứng viên dựa trên nội dung không phù hợp trên mạng xã hội. Hãy chú ý tới những gì bạn đăng bởi biết đâu những bình luận xưa cũ trên mạng xã hội một ngày nào đó sẽ quay trở lại “ám ảnh” bạn.

Chịu trách nhiệm về thông điệp cá nhân

Khi nhà tuyển dụng tiềm năng cân nhắc bạn tại một vị trí nhất định, việc sở hữu thương hiệu cá nhân mạnh sẽ giúp đảm bảo rằng những thông tin nhà tuyển dụng tìm thấy chính là những thông tin bạn muốn thể hiện. Bạn chịu trách nhiệm về cách họ nhìn nhận về mình. Nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu về đam mê của bạn, xem điều gì khiến bạn hứng thú cũng như mục tiêu tương lai.

Tăng cường chuyên môn & uy tín

Xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ thể hiện bạn dưới góc độ chuyên nghiệp mà còn cho nhà tuyển dụng tiềm năng biết bạn là ai và chuyên gia trong lĩnh vực gì. Một khi bạn xây dựng được tầm nhìn rõ ràng đối với thương hiệu của mình, bạn sẽ tạo được bước đà cho những kỳ vọng về chuyên môn và uy tín trong lĩnh vực của mình.

Kiểm soát hình ảnh thương hiệu cá nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng bạn có thể làm đối với danh tiếng cá nhân. Có thể bạn sẽ cần để tâm và nỗ lực nhiều hơn, nhưng bản thân bạn và sự nghiệp sẽ vững chãi hơn nhờ đó.

Mẹo xây dựng thương hiệu cá nhân online
Personal branding

Bạn đã biết tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân, giờ chúng ta cùng đến với một số mẹo để bắt tay vào việc phát triển thương hiệu bản thân.

1. Tạo dựng thương hiệu

Việc đầu tiên bạn cần quyết định cách bạn muốn xây dựng thương hiệu cho bản thân. Bạn muốn công ty nghĩ gì về mình khi họ chợt nhớ về bạn? Bạn có phải chuyên gia trong lĩnh vực của mình? Bạn có phải người giỏi nhất trong lĩnh vực đó? Hay điểm nổi bật là trải nghiệm khi làm việc với bạn? Hãy xác định những khía cạnh đó một cách rõ ràng và chính xác nhất có thể. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy hỏi bạn bè hoặc những đồng nghiệp đáng tin về cách mà họ mô tả về bạn.

2. Xác định tệp khán giả (người xem)

Bạn có biết tệp khán giả bạn muốn hướng tới là ai không? Bạn có nắm được độ tuổi, hoạt động họ thường làm trong thời gian rảnh cũng như những giá trị mà họ đề cao? Xác định được tệp khán giả mục tiêu sẽ giúp bạn điều hướng hoạt động marketing phù hợp cũng như giúp bạn tiết kiệm được cả về thời gian và chi phí.

3. Xây dựng câu chuyện thương hiệu

Thương hiệu cá nhân mạnh gần như luôn được dẫn dắt bởi một câu chuyện hấp dẫn. Điều gì đã thu hút bạn đến với lĩnh vực của mình? Động lực nào thúc đẩy bạn cống hiến hết mình mỗi ngày? Bạn đã phát triển sự nghiệp của mình như thế nào? Định hướng của bạn ra sao? Hãy tưởng tượng hình tượng mà bạn muốn xây dựng trong công việc cũng giống như một nhân vật trong phim: Bạn sẽ chia sẻ câu chuyện của mình như thế nào?

4. Thiết lập sự hiện diện chuyên nghiệp trên mạng xã hội

Hãy chọn nền tảng phù hợp với ngành nghề kinh doanh của mình. LinkedIn và X (tiền thân là Twitter) là một trong những nền tảng tốt nhất để bắt đầu, tuy nhiên những nền tảng mới nổi như Threads và Tiktok cũng khá hữu ích. Nếu bạn công tác trong lĩnh vực phương tiện hình ảnh, Instagram là một nền tảng tuyệt vời để bạn chia sẻ công việc của mình.

Hãy đưa nội dung phù hợp với từng loại nền tảng. Chẳng hạn, không nên chia sẻ hình ảnh kỳ nghỉ trên LinkedIn và cũng không chia sẻ các bài viết chuyên ngành lên Tiktok.

5. Sắp xếp nội dung để chia sẻ trên các nền tảng khác nhau

“Sắp xếp nội dung – Content curation” là thuật ngữ chỉ quá trình khám phá thu thập nội dung liên quan về một chủ đề cụ thể từ các nguồn khác nhau, từ đó biên tập chỉnh sửa, chuẩn bị và truyền tải thông tin nội dung thích hợp, sau đó phân phối thông tin theo cách có tổ chức. Đây là cách thức nhằm thúc đấy sự quan tâm tới thương hiệu trên các phương tiện truyền thông. Hãy chọn các site có ảnh hưởng hoặc mang tính giải trí mà bạn thích – và tốt nhất là liên quan tới lĩnh vực chuyên biệt của bạn – để đăng tải lại một số nội dung hướng tới tập khán giả mục tiêu. Đề cập tới những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên các bài đăng và liên hệ với họ để liên kết trang hoặc  đăng chéo. Giữ kết nối với người xem và họ cũng sẽ tiếp tục quay lại trang của bạn nhiều hơn.

6. Đăng ký tên miền và tạo địa chỉ email chuyên nghiệp

Đăng ký tên miền chuyên nghiệp và tạo email riêng (Ví dụ tên miền JohnSmith.com). Nếu định dạng .com bị trùng, có thể mở rộng sang định dạng .me. Tạo email chuyên nghiệp theo tên miền ví dụ như john@johnsmith.com, như vậy bạn sẽ không bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp miễn ví như Yahoo hay Gmail. Sở hữu email với tên miền riêng giúp tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp ngay lập tức.

7. Xây dựng trang web

Sở hữu website cá nhân là cách tuyệt vời để xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tìm được thông tin của bạn: 80% doanh nghiệp cho rằng website cá nhân đóng vai trò quan trọng khi họ đánh giá ứng viên. Website cũng giống như bệ phóng giúp mọi người dễ dàng hiểu hơn về công việc của bạn. Hãy đính kèm địa chỉ website hoặc mã QR dẫn tới trang web lên danh thiếp, và cũng đừng quên kết nối thông tin tới trang mạng xã hội của bạn.

8. Đưa ra khẩu hiệu (slogan) đáng nhớ

Khẩu hiệu cá nhân nên ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Bạn nên thể hiện chính xác mình là ai trong tối đa 6 từ. Erika Kullberg – nổi tiếng với những mẹo “Tôi đọc điều khoản” trên Tiktok là một trong những chuyên gia về việc tạo khẩu hiệu thương hiệu cá nhân. Trên website, podcast, You Tube, cô mô tả bản thân trong 5 chữ “Luật sư & Chuyên gia tài chính cá nhân”. Trên các video mạng xã hội, cô cũng kèm theo khẩu hiệu “Erika đã dạy tôi! Cô ấy là luật sư và cô ấy đọc các điều khoản”

9. Đầu tư thiết kế logo

Tạo cho mình mẫu logo độc đáo để sử dụng trên website, ấn phẩm, trang mạng xã hội và chữ ký email. Nếu không  có kỹ năng sử dụng phần mềm thiết kế, bạn có thể thử sử dụng nền tảng tương tự như Canva để thiết kế logo hoặc thuê một chuyên viên thiết kế đồ họa chuyên nghiệp trên các nền tảng việc làm tự do (freelance) như Fiverr, Freelancer hay Upwork.

10. Viết thông tin tiểu sử và đăng tải ảnh chân dung

brand indentity

Bạn có thể tự viết thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Nhưng nếu đây không phải sở trường, bạn có thể tìm thuê người viết trên các site việc làm tự do (freelance) như đã kể phía trên. Đối với ảnh chụp chân dung, hãy đảm bảo nó đại diện cho hình ảnh mà bạn muốn hướng tới. Thông tin tiểu sử và ảnh chân dung không chỉ giúp ích trong giai đoạn tìm việc mà còn giúp bạn tạo ra các cơ hội kết nối và thể hiện bản thân. Đây cũng là những tiêu chuẩn mà các nhà tổ chức yêu cầu đối với diễn giả và người trình bày tại các hội thảo và hội nghị.

11. Tìm nơi thích hợp để thể hiện chuyên môn

Blog không còn là công cụ duy nhất để chia sẻ những nhận định mang tính chuyên ngành. Thay vào đó, trong trường hợp không muốn duy trì tần suất lên bài thường xuyên, bạn có thể sử dụng LinkedIn để viết bài. Bạn cũng có thể cân nhắc xuất bản bản tin hoặc blog theo định kỳ tuần/ tháng trên các nền tảng như Medium hoặc Substack. Dù bằng hình thức nào, hãy tập trung vào mục tiêu làm nổi bật uy tín và khả năng chuyên môn của mình.

12. Đảm bảo thông tin được cập nhật

Đảm bảo các thông tin được đăng tải online – VD: bảng danh sách, đánh giá, bài báo, thông tin đăng tải từ khách mời, thông tin sơ yếu lý lịch được liên kết về trang web chủ hoặc tài khoản mạng xã hội. Hãy nhớ rằng, khi bạn đăng tải một bài báo với vai trò là khách trên website hoặc tổ chức khác, bạn có thể sẽ không có quyền update thông tin tiểu sử hoặc website trong tương lai. (Đây cũng là lý do khác cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì website chuyên nghiệp của riêng bạn).

13. Chủ động nắm bắt tin tức mới trong lĩnh vực của mình

Tìm hiểu những gì đối thủ đang làm và bắt nhịp cùng đồng nghiệp. Theo dõi những chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu và tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ngách của bạn và kết nối với cộng đồng những người trong cùng lĩnh vực, kể cả họ đang sống ở những khu vực khác. Bạn không nhất thiết phải chia sẻ mọi chủ đề nóng trong lĩnh vực; cách đơn giản là bạn có thể đăng lại những nội dung về những phát triển/ kiến tạo gần đây nhằm thể hiện kiến thức chuyên ngành.

14. Tham gia các hội nhóm và tình nguyện giúp đỡ mọi người

Cho đi lời khuyên, bình luận lên các bài đăng chủ động tìm kiếm kết nối và tìm cách giúp đỡ người khác trong cùng lĩnh vực. Hỏi và trả lời câu hỏi cũng như khuyến khích người xem tiếp cận bất cứ khi nào bạn có thể. Càng tích cực và chủ động, bạn càng dễ dàng tiếp cận và hiện diện nhiều hơn tới đồng nghiệp cùng ngành.

Xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh đóng vai trò quan trọng với hầu hết ngành nghề. Nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ tìm kiếm thông tin của bạn trên mạng và một khi họ làm điều đó, bạn cần kiểm soát nội dung họ có thể tìm được. Bất kể trên nền tảng nào, dù là trang web cá nhân, blog hay trang mạng xã hội, hãy đảm bảo rằng thông điệp bạn luôn xuất hiện rõ ràng và dễ nhận biết.

Nguồn: Glassdoor
Dịch: Nga Vũ
Hiệu đính: Minh Phạm

Comments