xác định được vấn đề mới giải quyết được vấn đề

Cuộc phiêu lưu tìm kiếm giải pháp: Khởi nguồn từ việc xác định đúng vấn đề!

Thông thường, những câu chuyện về sáng tạo hay các phát minh, sáng chế đều tập trung vào cách mới lạ để giải quyết vấn đề đang gặp phải. Ví dụ như cách James Dyson tìm ra ứng dụng của thiết bị lốc xoáy công nghiệp để thay thế chiếc túi chứa trong các máy hút bụi (1). Tương tự, chủ nghĩa lập thể hay trường phái lập thể do Pablo Picasso và Georges Braque khởi xướng được xem như một kĩ thuật tạo nên nhiều góc nhìn đa chiều trong cùng một bức họa (2). Hay như Xerox PARC đã phát triển hệ điều hành máy tính để bàn có giao diện tương tác với người dùng hơn thay vì các câu lệnh máy tính phức tạp (3).

Ví dụ ngắn về các phát minh nổi bật bên trên đều tập trung chủ yếu vào những giải pháp sáng tạo. Như chúng ta thấy, vấn đề mà họ cần giải quyết dường như đã rất rõ ràng. 

Thế nhưng, nếu đóng khung khái niệm đổi mới theo cách này, việc sáng tạo dường như trở thành một ẩn số. Tại sao bây giờ mới có người nghĩ đến và hiện thực hóa giải pháp này? Và bằng cách nào, người đầu tiên trên thế giới đã tìm ra được giải pháp? 

xác định được vấn đề mới giải quyết được vấn đề

Thực tế, phương pháp tương đối đơn giản mà hầu hết những người đưa ra ý tưởng đột phá đã làm là: tìm giải pháp dựa vào trải nghiệm được đúc kết từ những người đã từng đối mặt và giải quyết vấn đề đó. Tất nhiên, chính họ cũng không nhận ra rằng họ biết được điều đó.

Đôi khi, sự tình cờ lại là chìa khóa giúp chúng ta tìm ra giải pháp. Như Acsimet trong một lần để ý mực nước dâng cao khi bước vào bồn tắm, ông đã may mắn tìm ra lời giải cho bài toán tính khối lượng riêng của một chiếc vương miện đúc bằng vàng lộng lẫy (4). Một số khác thì đầu tư hàng thập kỷ và hàng triệu đô la (hoặc thậm chí hàng tỷ) vào nghiên cứu và phát triển (điển hình như các công ty dược phẩm). Tuy nhiên, việc nghiên cứu sâu trải nghiệm của một cá nhân hay một nhóm đã từng đối mặt với vấn đề vẫn là một trong những cách giải quyết vấn đề hiệu quả, tiết kiệm chi phí và được sử dụng thường xuyên nhất. 

Để làm được điều này, quan trọng nhất chúng ta cần phải có được thông tin đúng đắn và phù hợp. 

Trí nhớ của con người được thiết lập theo cách khi tiếp cận với một lượng thông tin mới, nó sẽ tự bóc tách và liên tưởng đến những dữ kiện sẵn có liên quan gián tiếp hay trực tiếp tới vấn đề chúng ta đang gặp phải. Giả sử, bây giờ tôi đề cập tới một bữa tiệc sinh nhật và yêu cầu bạn tưởng tượng về nó, bạn sẽ nghĩ tới gì? Bạn sẽ nhớ ngay đến ổ bánh kem thơm ngon, mũ sinh nhật, không khí bữa tiệc và cả bài hát “Chúc mừng sinh nhật” bạn hát cùng mọi người. Bạn không phải tốn quá nhiều nỗ lực để nhớ lại những chi tiết này, nó như những hình ảnh nổi bật sẵn có trong tiềm thức mà bạn dễ dàng liên tưởng đến. Đó chính là kết quả của sự gợi ý từ thông tin tiếp nhận được ban đầu.

Trong trường hợp bạn muốn hồi tưởng một điều khác, bạn cần phải thay đổi từ gợi ý của vấn đề. Nếu bây giờ tôi bảo bạn hãy hình dung về món salad, rất có thể bạn sẽ nghĩ đến những lá rau xanh mướt, lát cà chua đỏ mọng, và các món ăn đi kèm, mặc dù chưa đầy một phút trước, bạn còn đang bận tâm về một bữa tiệc sinh nhật nào đó.  

Từ cơ chế tiếp nhận thông tin của não bộ cho thấy, khi cần giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, việc xác định vấn đề là cốt lõi khởi đầu cho liên tưởng và khơi gợi ký ức để dẫn lối bạn đến những dữ kiện liên quan.

Nhận ra điều này, để tạo ra nhiều giải pháp khả thi cho một vấn đề, cá nhân (hoặc nhóm) giải quyết vấn đề có thể thay đổi góc nhìn sự việc theo những cách khác nhau sao cho có thể truy xuất được nhiều thông tin và gợi ý từ bộ nhớ của mình. 

Lấy ví dụ, thật khó để hình dung Dyson có thể nghĩ đến thiết bị lốc xoáy công nghiệp khi ông gặp sự cố với chiếc túi chứa bụi, hay còn được xem như màng lọc để tách giữ bụi bẩn cho không khí sạch đi qua. Theo cơ chế đó, máy sẽ hút hỗn hợp cả bụi bẩn và không khí, sau đó chiếc túi chứa bụi được xem như một màng lọc phân tách và giữ lại bụi bẩn, đồng thời cho không khí sạch đi ra qua các lỗ nhỏ trên túi. Nhưng nếu đứng trên phương diện phân tích từ chức năng của máy hút bụi, chúng ta có thể có rất nhiều cách khác để tách những hạt bụi ra khỏi không khí mà không sử dụng tới màng lọc. Một trong những giải pháp Dyson lựa chọn là ứng dụng thiết bị lốc xoáy công nghiệp tạo ra khối không khí (có lẫn bụi) với chuyển động xoáy tròn đủ lớn để đẩy các hạt bụi khỏi không khí sạch theo nguyên lý ly tâm và đọng lại dưới đáy hộp chứa, trong khi không khí sạch thoát ra phía trên.

Thông qua đó, cách mô tả hoạt động của máy hút bụi đã khái quát hóa vấn đề bằng cách loại bỏ một số những thành phần hay từ ngữ đặc trưng thường được sử dụng để giải quyết. Với bài toán trên, cụm từ “tách bụi bẩn khỏi không khí” hoàn toàn không đề cập đến chiếc túi chứa bụi. Do đó, khi tập trung vào chiếc túi, bạn sẽ chỉ biết và liên tưởng tới những thứ xung quanh liên quan tới chiếc túi mà thôi. Trong khi đó, danh sách đăng ký bản quyền dài đằng đẵng của những chiếc máy hút bụi đã chứng tỏ một điều rằng các phát minh và sáng chế từ chiếc túi chứa đã không còn quá xa lạ. Và vì thế, một giải pháp đột phá cần một góc nhìn, một cách tiếp cận vấn đề mới mẻ. 

Vậy làm thế nào để bạn xác định được đúng vấn đề mà doanh nghiệp của mình đang gặp phải? Tôi rất tiếc khi phải nói rằng không có một công thức nào là hoàn hảo. Thay vào đó, những cá nhân (hoặc nhóm người) sáng tạo kiên định nhất là những người tìm ra nhiều cách khác nhau để mô tả vấn đề đang được giải quyết. Một số cách mô tả sẽ cụ thể (như túi hút chân không), và từ đó gợi mở đến những thông tin khác có liên quan nhiều đến vấn đề hơn (ví dụ như các loại túi hút chân không khác nhau). Sau đó, mô tả bản chất thật của vấn đề theo nhiều cách khác nhau bằng cách tập trung vào mối quan hệ giữa các đối tượng hoặc mục tiêu đã được mô tả trừu tượng hóa (ví dụ như tách bụi bẩn ra khỏi không khí sạch). Mỗi mô tả này sẽ giúp bạn liên tưởng và xâu chuỗi các dữ kiện sẵn có để giải quyết vấn đề của mình theo hướng đi hoàn toàn mới.

Phần lớn chúng ta tìm chưa đúng nơi cần thiết để khơi gợi và phát triển sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong mình. Từ trước tới nay, chúng ta luôn yêu cầu mọi người hãy “suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp”, hay tư duy thoát khỏi khuôn mẫu, nhưng điều quan trọng hơn chúng ta nên hướng đến là tìm thêm mô tả về “chiếc hộp”, xác định được bản chất cốt lõi, và liên tưởng đến những thông tin hoặc dữ kiện liên quan. Nói cách khác, chúng ta cần hiểu rõ và xác định đúng vấn đề đang gặp phải, để rồi có thể gợi nhớ đến những điều gì từ vấn đề đó.

(1) James Dyson là một kỹ sư, đồng thời cũng là nhà thiết kế, nhà phát minh thiên tài sáng lập ra hãng điện máy Dyson nổi tiếng hiện nay. Trong một lần dọn dẹp sử dụng máy hút bụi cũ, vì quá bực mình với lực hút ngày càng kém, ông đã mày mò và tự tay chế tạo mẫu hút bụi không túi chứa với những hạt bụi dù nhỏ nhất cũng sẽ được tách ra khỏi không khí và hút vào khoang chứa một cách dễ dàng. Ứng dụng nguyên lý lực ly tâm giúp ông loại bỏ được vấn đề kẹt bụi trong túi chứa dùng lâu ngày, từ đó mang lại lực hút mạnh mẽ và trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng (trích từ: Try, Try Again: Lessons From James Dyson’s Invention of the Vacuum | Inc.com)

(2) Chủ nghĩa lập thể: hay còn gọi là trường phái lập thể là kỹ thuật hội họa sử dụng kết hợp các khối hình học với hình dạng và kích thước khác nhau để tạo nên bức họa trừu tượng đa góc nhìn và có chiều sâu chỉ trên cùng một mặt phẳng và trong cùng một thời điểm. (trích từ: Cubism Movement Overview | TheArtStory)

(3) Trích từ Xerox Alto – Wikipedia 

(4) Acsimet được biết đến như một nhà toán học vĩ đại nhất thời cổ đại. Câu chuyện bắt đầu khi ông nhận lệnh từ quốc vương Hieron II để kiểm tra chất liệu chiếc vương miện vàng đúc. Ông đã dành suốt 2 tháng trời liên tục mày mò và tìm kiếm, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan. Trước khi lên diện kiến quốc vương, như một thói quen, ông bước vào nhà tắm. Trong lúc ngâm mình nghĩ ngợi, bất chợt ông để ý đến mực nước đang dâng trào trong bồn đến nỗi tràn ra ngoài, và lóe lên trong đầu lời giải cho bài toán khó này. Phát hiện trên giúp ông xác định được chiếc vương miện kia liệu có lẫn tạp chất hay không, đồng thời là cơ sở cho phương pháp đo thể tích và định luật Archimedes sau này của ông. (trích từ: Archimedes and the Golden Crown — Long long time ago)

Comments