Bền vững và biến đổi khí hậu - hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

Bền vững và biến đổi khí hậu – hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

Nhân sự thuộc thế hệ Gen Z và Millennial luôn là những người tiên phong trong vấn đề về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Họ không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình về các tiêu chuẩn làm việc và mong muốn các doanh nghiệp mà họ làm việc hoặc hợp tác đều có cùng tôn trọng và thực hiện các giá trị bền vững.

Trên thực tế, một cuộc khảo sát nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số gần 23.000 người được hỏi, phần lớn Gen Z (chiếm 55%) và thế hệ Millennials (chiếm 54%) đã tìm hiểu về “các chính sách và tác động môi trường của công ty trước khi quyết định nhận việc”.

Hơn nữa, 17% Gen Z được hỏi cho biết, họ đã chuyển đổi công việc hoặc lĩnh vực ngành nghề khác để phù hợp hơn với những giá trị mà họ đang theo đuổi; 25% chia sẻ rằng họ đang có kế hoạch sẽ thay đổi trong thời gian tới. Thế hệ Millennials cũng tương tự, với 16% đã chuyển việc và 23% chuẩn bị chuyển việc.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích kết quả khảo sát này và tìm hiểu lý do vì sao các nhân viên thuộc Gen Z và thế hệ Millennials lại ưu tiên sự bền vững, cũng như cách họ thúc đẩy cải thiện các chính sách môi trường tốt hơn để giúp các công ty trở nên xanh hơn như thế nào.

1. Thế hệ trẻ có nhiều nguồn thông tin chất lượng hơn

Thế hệ Millennials lớn lên cùng với sự phát triển của Internet, còn Gen Z thì được sinh ra trong một thế giới của Internet; có thể nói, chính điều này đã giúp họ trở thành hai thế hệ có nhiều kiến thức nhất. Khả năng sử dụng Internet để tìm hiểu về các công ty mà họ muốn làm việc và kinh doanh đã khiến các công ty phải chú ý nhiều hơn đến sự bền vững.

Thực tế cho thấy, thời gian mà Gen Z và những người trẻ thuộc thế hệ Millennial dành cho mạng xã hội đã giúp họ nhận thức rõ hơn về các vấn đề bền vững và biến đổi khí hậu, khuyến khích họ tích cực hành động để tìm ra giải pháp. Theo Pew Research, 69% người dùng mạng xã hội thuộc Gen Z cho biết, họ cảm thấy “lo lắng về tương lai” khi tiếp xúc với nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, trong khi tỷ lệ này ở thế hệ Millennial là 59%.

Họ không chỉ nói mà còn hành động, kết quả khảo sát cho thấy, 69% Gen Z và 73% người thuộc thế hệ Millennial đang cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường; 32% Gen Z và 28% người thuộc thế hệ Millennial cho biết họ đã từng tham gia vào các hoạt động chính trị liên quan đến giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, như quyên góp, tìm kiếm và trao đổi các quan chức, tình nguyện hoặc tham gia biểu tình.

Một số người thuộc thế hệ Millennial cho rằng, họ sẵn sàng chấp nhận giảm lương để làm việc cho một công ty thân thiện với môi trường, nhưng một vài áp lực về tài chính gần đây có thể làm giảm đi sự sẵn lòng đó.

Bền vững và biến đổi khí hậu - hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

2. Những lo ngại về tài chính có thể cản trở tiến trình bảo vệ môi trường 

Trong khi hơn một nửa số người thuộc Gen Z (55%) và thế hệ Millennial (53%) cho biết, họ cảm thấy nhà tuyển dụng có quan tâm đến việc chống lại biến đổi khí hậu, tổng cộng 96% người thuộc Gen Z và thế hệ Millennial vẫn đang đòi hỏi các công ty của họ phải làm nhiều hơn.

Tuy nhiên, khoảng một nửa số người thuộc Gen Z (53%) và thế hệ Millennial (48%) còn lại cũng tin rằng, việc đầu tư vào sự bền vững của các công ty đã dần giảm sút do kinh tế khó khăn từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine gây ra (mặc dù các nhà điều hành doanh nghiệp lại khẳng định khác).

Chính những khó khăn về kinh tế đó đã khiến hơn 50% người lao động thuộc Gen Z và thế hệ Millennial dự đoán rằng, ngân sách dành cho các sản phẩm và dịch vụ an toàn với môi trường mà họ đang quyết tâm đấu tranh sẽ hạn chế hơn trước, dù hơn 60% người cho biết, họ sẽ “sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững”.

Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Người lao động thuộc Gen Z và thế hệ Millennial đã đề nghị các công ty tích cực giúp người tiêu dùng có những quyết định mua sắm bền vững hơn bằng cách sử dụng các chuỗi cung ứng xanh và bao bì bền vững để hạ giá thành cho các sản phẩm này.

Bất kể người tiêu dùng có khả năng chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ xanh hơn hay không, người lao động cũng không nên cảm thấy nản lòng trong cuộc chiến vì sự bền vững và tiếp tục thúc đẩy các công ty của họ hướng đến những chính sách tốt hơn.

Bền vững và biến đổi khí hậu - hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

3. Gen Z và những người trẻ thuộc thế hệ Millennial đang tạo ra sự khác biệt xanh 

Sự bền vững là một vấn đề quan trọng đối với Gen Z và thế hệ Millennial, không có gì ngạc nhiên khi họ tìm ra nhiều cách để thực hành sự bền vững trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Người lao động thuộc Gen Z và thế hệ Millennial đã chứng tỏ bản thân là những người tiên phong trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường, với hơn 30% người lựa chọn giảm sử dụng xe cộ và cố gắng tránh mua sắm thời trang nhanh.

Và điều này đã có những tác động rõ rệt. Ví dụ, các công ty bán hàng trực tuyến như Poshmark là một phần của thị trường dự kiến ​​sẽ mang về 30,6 tỷ đô la ở Hoa Kỳ vào cuối năm 2025. Hơn một phần tư số người mua hàng của Poshmark là từ Gen Z, và công ty này đang hợp tác với người nổi tiếng trên mạng xã hội để thu hút những người mua hàng và người bán hàng có ý thức về môi trường.

Các công ty khác cũng đang thay đổi để thu hút những người mua hàng trẻ tuổi, có ý thức về môi trường hơn, sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Một số ví dụ bao gồm:

  • Allbirds và Adidas đang hợp tác để tạo ra một đôi giày có lượng carbon thấp nhất từ trước đến nay. 
  • Lush Cosmetics, một công ty nổi tiếng về sự bền vững, được giới thiệu nhiều trên mạng xã hội (ngoài những kênh chính của công ty) với các sản phẩm tắm, chăm sóc cơ thể và tóc không độc hại, tự nhiên. 
  • Ikea đang cố gắng giảm sử dụng bao bì và thay thế nhựa bằng các vật liệu bền vững hơn. 
  • ThredUp đang hợp tác với một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia để bán quần áo đã qua sử dụng từ các thương hiệu quần áo nổi tiếng. 
  • Starbucks đã thử nghiệm một số sáng kiến ​​xanh, chẳng hạn như chương trình mượn cốc và cốc phân hủy mới. 
  • Pepsi đã ra mắt nền tảng mới để giúp khách hàng đạt được mục tiêu bền vững của họ, bao gồm các thùng chứa tái sử dụng, nỗ lực tái chế và nông nghiệp bền vững. 

Ngoài ra, hơn 40% người thuộc Gen Z và thế hệ Millennial có dự định đầu tư vào nhà tiết kiệm năng lượng và xe điện, trong khi khoảng 20% đã chuyển sang chế độ ăn thuần chay, ăn ít thịt và dự định sinh ít hoặc không sinh con.

Bất chấp những nỗi lo về khủng hoảng kinh tế như trên, nhu cầu về các sản phẩm bền vững được dự đoán sẽ tăng lên khi sức mua của thế hệ Millennial tiến đến đỉnh điểm. Liệu các công ty có tiếp tục đáp ứng được những ưu tiên của người lao động hay không vẫn còn là dấu hỏi, nhưng rõ ràng là hiện tại, các giá trị của Gen Z và thế hệ Millennial về sự bền vững đang thúc đẩy các thương hiệu hướng đến sự thân thiện với môi trường hơn.

Bền vững và biến đổi khí hậu - hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

4. Làm thế nào để biết một công ty có coi trọng sự bền vững hay không? 

Nếu bạn là một người thuộc Gen Z hoặc thế hệ Millennial có ý thức về môi trường và do dự khi mua một sản phẩm hoặc đầu tư vào một dịch vụ từ một công ty nào đó, mà không biết liệu lời cam kết về sự bền vững của họ có đáng tin hay không, đây là một số gợi ý bạn có thể đặt câu hỏi:

  • Công ty có chính sách bền vững không? 
  • Công ty có theo dõi tác động của mình đến môi trường không? 
  • Công ty có đầu tư vào năng lượng tái tạo không? 
  • Công ty có sử dụng các vật liệu tái chế hoặc phân hủy sinh học không? 
  • Công ty có một chuỗi cung ứng xanh không? 
  • Công ty có cho phép các thỏa thuận làm việc linh hoạt không? 
  • Công ty có giáo dục cho nhân viên về sự bền vững không? 
  • Công ty có tương tác với khách hàng về sự bền vững không? 
  • Công ty có hỗ trợ các sáng kiến ​​bền vững trong cộng đồng của họ không? 

Nhiều công ty có hẳn một giám đốc bền vững trong cơ cấu tổ chức, đây có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy công ty cam kết với những nỗ lực bền vững. Giám đốc bền vững là người sẽ giúp các công ty quản lý nguồn năng lượng của họ, giảm lãng phí, cải thiện các hoạt động về sức khỏe và an toàn, đánh giá tác động hiện tại của công ty đến môi trường và xác định cách tăng cường các thực hành bền vững trong tương lai.

Một vài thực hành xanh khác mà người lao động thuộc Gen Z và thế hệ Millennial muốn thấy từ các công ty của họ bao gồm:

  • Cung cấp các khuyến khích hoặc trợ cấp cho nhân viên cho các sản phẩm và dịch vụ bền vững, chẳng hạn như xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời, máy điều hòa sinh thái và giao thông công cộng.
  • Cung cấp giáo dục và đào tạo cho nhân viên về sự bền vững.
  • Cấm hoặc giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong nơi làm việc.
  • Thực hiện cải tạo văn phòng thân thiện với môi trường.
  • Đầu tư vào việc xanh hóa các cộng đồng địa phương.

Bền vững và biến đổi khí hậu - hai vấn đề ưu tiên của lao động Gen Z và Millennial

Comments