5 dấu hiệu cảnh báo trước khi lựa chọn nơi làm việc

5 dấu hiệu cảnh báo trước khi lựa chọn nơi làm việc

  • Nắm bắt những dấu hiệu cảnh báo trong quá trình ứng tuyển sẽ giúp bạn tránh được môi trường làm việc độc hại.
  • Người dùng Cộng đồng Glassdoor và Chuyên gia cố vấn nghề nghiệp Gorick Ng đã chỉ ra những điều ứng viên cần chú ý khi lựa chọn nơi làm việc.
  • Nếu bạn nhận diện được bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào thì cũng nên tìm hiểu và cân nhắc cẩn trọng mục tiêu nghề nghiệp cùng với những thách thức trước khi chấp nhận lời mời hợp tác từ công ty.

Hiện nay, chúng ta dễ dàng tham khảo các nguồn tài liệu và đánh giá như của Glassdoor để xem xét một công ty có phù hợp với mong đợi về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, quan điểm lãnh đạo, các chế độ lương thưởng và phúc lợi hay không? Nhưng sẽ thật khó để biết một công ty thực chất đang vận hành và hoạt động như thế nào cho đến khi bạn trực tiếp trải nghiệm từ bên trong. Đôi lúc, bạn phải tin vào trực giác của bản thân. Bạn cũng nên chú ý đến một số câu hỏi hoặc nhận xét xuất hiện trong quá trình tuyển dụng vì đây có thể là dấu hiệu của một nơi làm việc độc hại. Theo người dùng Fishbowl, cộng đồng trực tuyến dành cho các chuyên gia của Glassdoor, cho rằng bạn nên cân nhắc lựa chọn từ chối lời mời nhận việc hơn là chấp nhận rủi ro với một môi trường có thể khiến bạn không hạnh phúc. Chúng tôi đã hỏi các thành viên của nhóm Work-Life về những dấu hiệu cảnh báo mà họ đã phát hiện và nói chuyện với Gorick Ng, Chuyên gia cố vấn nghề nghiệp của Harvard và là tác giả cuốn sách The Unspoken Rules (tạm dịch là: Những quy tắc bất thành văn) về những gì bạn nên làm khi phát hiện ra chúng.

Những cuộc đình công có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử

Dấu hiệu của một môi trường làm việc độc hại

Khi cuộc “Đại khủng hoảng lao động” lên đến đỉnh điểm, các ứng viên nhanh chóng liệt kê ra được những dấu hiệu cảnh báo nổi bật, thể hiện qua các cụm từ như “kiểm soát căng thẳng”, “môi trường làm việc tốc độ cao”, “làm việc dưới áp lực”. Gorick Ng cho rằng, tỉ lệ nghỉ việc cao là dấu hiệu cảnh báo quan trọng nhất, vì điều này có nghĩa là “có vẻ như không ai có thể ở lại tổ chức này hơn một năm”. (Ngược lại, tỉ lệ nghỉ việc thấp là dấu hiệu khả quan hơn)

Các dấu hiệu cảnh báo khác mà Gorick Ng chỉ ra là những đánh giá không tốt về đội ngũ lãnh đạo trên các trang mạng như Glassdoor và năng lực của những người đồng đội tương lai của bạn. Nhưng nếu bạn đã sẵn sàng để đảm nhận vai trò này thì bạn cũng có thể chủ động thực hiện trước một số hành động để đặt nền móng cho những bước đi tiếp theo của mình. Khi nhận công việc này, theo Gorick Ng, bạn cần tìm kiếm những đồng nghiệp có thể thiết lập mối quan hệ thân thiết và cả những người cố vấn có thể giúp bạn phát triển ở vị trí tiếp theo. Sau đây là 5 dấu hiệu cảnh báo khác, được cung cấp bởi người dùng Fishbowl.

1. Xem nhân viên như một gia đình

Một trong những dấu hiệu cảnh báo phổ biến được liệt kê bởi người dùng Fishbowl chính là việc dùng từ “gia đình” để mô tả về tổ chức và đội ngũ nhân viên.  Netflix (xếp hạng 40 trên Danh sách những nơi làm việc tốt nhất năm 2023 của Glassdoor) dứt khoát tránh sử dụng cụm từ “gia đình” khi nói đến văn hóa doanh nghiệp của mình, rằng, “Chúng tôi tự xem mình là một đội thể thao chuyên nghiệp, chứ không phải là một gia đình. Bản chất của gia đình là tình yêu vô điều kiện. Còn bản chất của một đội ngũ trong mơ là thúc đẩy bản thân trở thành những đồng đội tốt nhất có thể, quan tâm sâu sắc đến đội ngũ của bạn, và hiểu rằng bạn chưa chắc có thể đồng hành lâu dài cùng họ”

2. Nhập nhằng giữa việc phải dành nhiều thời gian làm việc với đam mê, yêu công việc 

Một dấu hiệu cảnh báo khác đó chính là câu nói: “Chúng tôi làm việc nhiều giờ, không phải vì bắt buộc mà vì chúng tôi yêu công việc của mình”. Thực chất là chúng ta cần phải cân bằng thời gian giữa công việc và cuộc sống cá nhân, một người chủ doanh nghiệp tốt cũng chẳng nên đánh đồng giữa thời gian làm việc và đam mê với công việc. “Nếu bạn đang làm một công việc mà luôn phải ‘đúng giờ’ cho dù bạn đang trong kỳ nghỉ phép, nghỉ ốm hoặc sau giờ làm việc, bạn muốn kiểm tra kỹ xem mình đang dành bao nhiêu thời gian ở đây” Matt Bertram viết trên Forbes. “Bạn là một nhân viên, nhưng điều này không có nghĩa là bạn bị xích vào bàn làm việc hoặc phải tuân theo mệnh lệnh của họ”. Nếu bạn đang tìm kiếm những doanh nghiệp khích lệ cân bằng cuộc sống và công việc, hãy bắt đầu với danh sách Glassdoor này.

3. Sự ngần ngại khi thương lượng về lương và phúc lợi

Thương lượng và thỏa thuận mức lương là một phần quan trọng của quá trình tuyển dụng. Bất kỳ công ty nào thật sự tôn trọng nhân viên của mình đều phải hiểu điều đó. Tuy nhiên, một người bình luận trên Fishbowl đã đồng tình với dấu hiệu cảnh báo này: “Khi tôi cố gắng thương lượng mức lương thì người quản lý tuyển dụng nói với tôi rằng kinh nghiệm quan trọng hơn tiền lương”. Ngoài ra, một dấu hiệu khác về lương thưởng là những thông tin không rõ ràng như “mức lương cạnh tranh” hoặc “chế độ đãi ngộ hấp dẫn” mà không tiết lộ cụ thể. Nếu một doanh nghiệp ngần ngại trong việc chia sẻ chi tiết về chế độ phúc lợi và đãi ngộ dành cho nhân sự, có lẽ đây không phải nơi làm việc phù hợp cho bạn.

4. Đặt ra những câu hỏi không liên quan

Các câu hỏi được đặt ra trong buổi phỏng vấn có thể cho bạn biết nhiều điều về người phỏng vấn, giống như những câu trả lời của bạn sẽ cho họ hiểu về bạn vậy. Một người dùng Fishbowl đã phàn nàn về việc người phỏng vấn chỉ hỏi những câu hời hợt trong buổi phỏng vấn. “Tôi ghét làm việc cho một người luôn dành thời gian hỏi xem tôi có phải là người da màu không, da của tôi màu gì và tại sao. Tôi thích làm việc ở một nơi có những câu hỏi tập trung về hiệu suất”. Một thành viên khác trong cộng đồng nói thêm: “Nếu bạn không thể tương tác với tôi một cách có trí tuệ trong một giờ, tôi không thể tưởng tượng được 40 giờ của tôi sẽ như thế nào”.

5. Mời nhận việc ngay lập tức

Nếu nhà tuyển dụng mời bạn nhận việc ngay trong một khoảng thời gian ngắn, thì có thể họ đang rất cần người đảm nhận vị trí này. Tương tự vậy, nếu doanh nghiệp không cho bạn thời gian để cân nhắc về lời mời nhận việc, bạn cũng nên xem đây là một dấu hiệu cảnh báo về môi trường làm việc.

Làm thế nào để phân tích những dấu hiệu cảnh báo của một môi trường làm việc độc hại

Một buổi phỏng vấn không tốt chưa hẳn là dấu hiệu cảnh báo về doanh nghiệp, nhưng bạn cũng cần quan tâm và chú ý. Ng khuyên chúng ta nên bắt đầu từ việc tham khảo các bài đánh giá về công ty trên mạng xã hội và tận dụng mạng lưới bạn bè cùng người thân để tìm hiểu thêm thông tin về văn hoá doanh nghiệp và đội nhóm tương lai của bạn. Tỷ lệ nghỉ việc có cao không? Có những thông tin hoặc biểu hiện gì thiếu chuyên nghiệp trước đó không?

Tiếp theo, Gorick Ng cho rằng bạn nên suy nghĩ về những kỳ vọng và mong đợi của bạn khi tìm một công việc mới, cân nhắc mục tiêu nghề nghiệp của bạn với những dấu hiệu cảnh báo đã nhận diện được.  Ông cho rằng, chúng ta đều không mong muốn việc một tổ chức yếu kém sẽ có những tác động tiêu cực đến sự phát triển nghề nghiệp của mình. Điều bạn thực sự mong muốn là được làm việc ở một nơi mang đến cơ hội tạo dựng mối quan hệ và uy tín cho mình. Vậy tình huống nghiêm trọng nhất là liệu tổ chức này có rơi vào tình trạng khủng hoảng khi bạn đang làm việc ở đây, và tệ đến mức không thể đưa vào CV hay không? Những dấu hiệu cảnh báo chẳng còn quan trọng khi không còn rủi ro ảnh hưởng đến uy tín hay sự gắn kết của bạn với công ty. Trong trường hợp này, hãy quyết định xem liệu bạn có muốn học hỏi từ ai trong đội ngũ quản lý ở tổ chức hoặc liệu bạn sẽ có những trải nghiệm đáng giá cho vị trí về sau hay không. Nếu câu trả lời là có, thì lời mời này rất đáng được cân nhắc.

Làm thế nào để ứng phó với môi trường làm việc độc hại

Phòng tránh một nơi làm việc độc hại không chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm định chuyên sâu. Một khi bạn là một phần của tổ chức, mức độ ưu tiên của vấn đề có thể được xác định lại hoặc có sự thay đổi về đội ngũ hay quản lý của bạn. Nếu bạn nhận thấy bản thân gặp phải môi trường làm việc độc hại, đầu tiên hãy thử trao đổi với quản lý về các giới hạn. Nếu tình trạng này kéo dài, hãy trình bày với Phòng Nhân sự. Và khi vượt quá giới hạn, hãy tìm một cơ hội khác tốt hơn.

 

Comments